
Đã hơn một tháng kể từ khi cơn lũ lớn nhất trong vòng 100 năm qua tràn về, đâu đó tại vùng rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn còn thấp thoáng rơm rác vương trên cột điện, như một lời nhắc đến quặn lòng cho đồng bào khắp nơi về đây cứu trợ. Hết năm này đến năm khác, tin tức từ các cơn bão ngoài khơi biển Đông liên tục đe dọa người dân nơi vùng đất nghèo khó này.
Chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến hình ảnh một cụ già bên căn nhà 3 gian xơ xác do bị lũ cuốn mà... chưa dựng lại được. Nghe tiếng có đoàn cứu trợ đến, ông cụ tất tả chạy ra nhận quà. Nước mắt chực trào ra khi cô Đinh Thị Như Hoài, cán bộ văn phòng Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh nhắc đến câu: “Miền Trung ơi, hãy cố lên!” trong một chương trình vận động ủng hộ đồng bào lũ lụt. Khi chúng tôi đến, từng đoàn xe cứu trợ mang biển số khắp nơi trên đất nước vẫn lũ lượt nối đuôi nhau, mang bao tấm lòng ấm áp giúp đồng bào miền Trung gượng dậy.
Một năm làm 2 vụ lúa nhưng khi lũ đến thì nước trắng đồng, có làm đầy đủ trên khoảnh ruộng ít ỏi cũng không đủ ăn. Người miền núi thì lên rừng kiếm củi, khổ quá đi đào vàng đối mặt với bao cơn dịch bệnh. Nhưng chính thiên tai, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt trên vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đã hun đúc nên con người miền Trung một ý chí cần cù, chịu thương chịu khó. Họ tìm mọi cách vực dậy đời sống của mình, bắt đầu từ cây keo, con bò v.v…
Và trong những năm gần đây, một niềm hy vọng mang đến sự đổi đời cho người dân miền Trung đã xuất hiện. Đó chính là cây cao su. Tại vùng đất cây cao su xuất hiện lâu đời nhất ở miền Trung là Quảng Trị thì người dân vùng truyền thống cách mạng Gio Linh, Vĩnh Linh đã yên ổn, sung túc với dòng nhựa trắng. Mặc dù để cây cao su bén rễ trên vùng đất khó này thì người dân, người CN đã trải qua bao phen vất vả. Trồng mới cao su thì phải đợi đến tháng 9, tháng 10, do mưa đến trễ, trong khi vào giữa năm người Đông Nam bộ đã ung dung trồng thì nơi đây phải gánh chịu từng đợt nắng cháy da.
Đến khi khai thác, cuối năm là thời điểm sản lượng mủ nhiều thì miền Trung lại trải qua những cơn mưa kéo dài ngày này qua ngày khác. Có đi cùng các CBCN Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam lên vùng trồng mới Nông Sơn trong cơn mưa, đường sá lầy lội mới thấu hiểu được nỗi gian nan nơi đây. Thật hiếm có nơi nào mà người trồng cao su phải đi đò… trồng cao su. Mưa nhiều khiến khe suối ngập tràn thành sông, CBCN kỹ thuật phải đi đò mang cây giống, phân bón đến nơi trồng cao su. Dù vậy, trong từng ánh mắt, nụ cười của người CN lẫn người dân đều toát lên niềm hy vọng đổi đời sau này.
Cao su đại điền đi đến đâu, cao su tiểu điền phát triển đến đó. Ở vùng Hiệp Đức, Quảng Nam, cao su nhà nước đi vào khai thác thì người dân cũng ung dung tận hưởng thành quả của mình. Các điểm thu mua mủ mọc lên khắp nơi, hai từ cao su đã gắn liền với sự sung túc, không còn lạ lẫm như trước đây. Không thua kém tỉnh “láng giềng” Hà Tĩnh đã có cao su, Nghệ An cũng chập chững bước đầu gầy dựng loài cây này trên đất Thanh Chương, Anh Sơn. Mặc dù buổi ban đầu nơi nào cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại, do người dân vẫn còn xa lạ, nhưng trong ánh mắt của các cán bộ Công ty CP Đầu tư và Phát triển cao su Nghệ An vẫn ánh lên niềm tin vững chắc, niềm hy vọng trong thời gian không xa.
Cao su mang đến sự đổi đời, thoát nghèo cho người dân miền Trung. Nhưng thiên tai vẫn chực chờ nuốt chửng bao thành quả sau bao công sức gầy dựng. Hơn 500 ha cao su đang khai thác tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi và cũng gần bằng số diện tích ấy tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đã tan hoang trong cơn bão năm 2009.
Tại xã Bình An, Bình Khương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, niềm vui, niềm hạnh phúc trong 2 năm khai thác ngắn ngủi chưa kéo dài bao lâu thì nước mắt ập đến khi người CN ra lô không còn nhận ra vườn cây - nguồn sống của chính mình. Đến giờ, ông Võ Thành Long- Đội trưởng Đội Bình An, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi vẫn ngậm ngùi: “Ông trời không cho ăn thì chịu”.
Không chịu khuất phục trước thiên nhiên, ý chí, nghị lực của con người, đặc biệt trên vùng đất khó đã được minh chứng. Họ bắt tay làm lại từ đầu, sau quãng thời gian 7 năm chăm sóc và 2 năm khai thác đã mất trắng. Vẫn con người đó, mảnh đất đó, chính đôi tay đó tiếp tục đặt bầu cao su xuống đất, ươm lên thành quả trong 7 năm tới. Cao su nhà nước trồng xuống, người dân trồng theo. Cao su nhà nước bị thiệt hại do bão, người dân tiểu điền cũng không thoát khỏi cảnh ngộ. Khi cao su đại điền trồng lại, điều quan trọng là người dân vẫn tiếp tục tin tưởng vào cao su, gầy dựng trở lại bất chấp nhiều ý kiến lo ngại. Điều đó chứng minh người dân miền Trung đã một lòng chung thủy với cao su, do họ đã nhìn thấy hiệu quả lâu dài của nó so với các loại cây trồng khác. Xin kết thúc bài viết bằng câu thơ của anh Đặng Văn Nam- Phó Phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi với niềm tin tràn đầy: “Rồi mai đây thiên lợi địa hòa/Người dân miền Trung sẽ đi lên cùng dòng nhựa trắng”.
Nguyên Khánh
Nguồn "Tạp chí Cao su Việt Nam"