CÔNG TY CỔ PHẦN CAO SU LÂM SINH

JS required
JS required

MỤC QUẢNG CÁO

HOALUCco.

PHUHOAshop

LAMSINH

Rừng cao su bừng sáng

Email In PDF.
Toàn ngành cao su VN hiện có trên 83.000 cán bộ, công nhân lao động, mức lương bình quân trên 4 triệu đồng/tháng. Dự kiến đến năm 2015, diện tích cao su VN sẽ tăng lên 500.000ha, trong đó gồm cả 100.000ha ở Lào và 100.000 ha ở Campuchia, sản xuất trên 800.000 tấn/năm, tổng doanh thu ước đạt trên 1,6 tỉ USD.
Người công nhân cao su giờ không còn là phận phu phen. Với mức lương bình quân 4 triệu đồng/tháng, họ có cuộc sống ổn định và dư để tích lũy - Ảnh: V.B.
Ngày xưa nói đến thợ cạo mủ là nghĩ ngay tới cái nghèo khó. Nhưng hiện nay, đến những nông trường cao su ở vùng Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước... đâu đâu cũng nghe kể chuyện về dân cao su cất nhà 700-800 triệu đồng, mua xe hơi, mua đất, tậu vườn, chơi cổ phiếu, cổ phần...
Ở nhiều nhà không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nội thất hiện đại như nhiều gia đình khá giả ở thị thành: tivi LCD, tủ lạnh, máy lạnh và thậm chí có người còn tậu cả xe hơi mới cáu…

Khá giả
Chưa bao giờ đời sống người thợ cao su được khấm khá như thời điểm này. Mủ cao su được giá, người thợ cạo mủ cũng được đổi đời. Anh Lê Văn Hải, thợ cạo mủ ở Gò Dầu, Tây Ninh, cho biết vợ chồng anh và hai đứa con đều làm công nhân cao su, lương bình quân của một người hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Tiền thưởng Tết Nguyên đán trong vòng ba năm trở lại đây mỗi người cũng được trên 30 triệu đồng. Trừ đi chi phí ăn uống, gia đình anh mỗi tháng có dư gần 15 triệu đồng.
Mấy năm dành dụm, cuối năm ngoái anh mua được vườn cao su 3ha, loại bốn năm tuổi, hết 800 triệu đồng. Năm tới, 3ha cây cho thu hoạch thì mỗi tháng, trừ đi chi phí cũng thu được 15 triệu đồng. Mua 800 triệu nhưng mới đây có người ngấp nghé trả giá 1 tỉ “nhưng tui không bán”, anh nói.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hồng, công nhân Nông trường cao su Minh Thạnh, là gia đình đã ba đời cha truyền con nối làm nghề cạo mủ ở vùng đất này. Ông bà nội ngoại của chị đều là phu đồn điền cao su cho các ông chủ người Pháp. Rồi ba mẹ chị tiếp tục làm phu thời Mỹ. “Cả mấy đời đều khổ, không ngờ đến đời tui lại được khấm khá từ chính cái nghề tưởng chừng đen bạc như thân phận phu phen này”.

Bà Đặng Thị Thìn, năm nay 80 tuổi, một trong những người lớn tuổi nhất, từng là phu cạo mủ cao su thời Pháp thuộc còn sống hiện nay ở xã Minh Hòa, Dầu Tiếng, nói bà từng chứng kiến bao thăng trầm của “thế giới cao su” gắn liền với bao nhiêu cuộc đời trôi nổi của những người phu cạo mủ lắm mặc cảm, khốn cùng. Nhìn cuộc sống đổi thay của người thợ hiện nay, lắm lúc bà vẫn không tin đó là sự thật.

“Đốm sáng” giữa rừng

Đời sống của những người thợ cạo mủ cao su đã đổi thay. Đổi thay không chỉ trong tiêu xài, sinh hoạt hằng ngày mà trong cả cách nghĩ, toan tính chuyện tương lai. Quan niệm “con phu thì lại làm phu, con thợ cạo mủ thì như cha mình” vốn ăn sâu trong nếp nghĩ của người thợ bao đời nay ở vùng Đông Nam bộ giờ đã bị “đánh bật”.
Cao su được ví là vàng trắng
rất đúng nghĩa trong lúc này - Ảnh: V.B

“Mấy năm trước khó khăn quá, tôi phải cho con nghỉ học đi cạo mủ. Nhưng bây giờ cuộc sống đã khấm khá hơn, tôi cho nó đi học bổ túc lại. Làm thợ cạo mủ thu nhập cao thiệt nhưng rồi cuộc đời vẫn không vượt qua được khỏi những cánh rừng. Không thể cứ mãi cha truyền con nối lầm lũi trong rừng mà phải giúp tụi nhỏ đi xa hơn…”, ông Nguyễn Thanh Phục, công nhân Công ty cao su Dầu Tiếng, nói.

Hai vợ chồng ông gắn bó với nghề cao su đã gần 25 năm nay. Ngoại trừ cô gái lớn theo nghề cha mẹ và đang học bổ túc, ba cô con gái kế tiếp đều được ông Phục cho học đại học. Một cô con gái của ông Phục vừa tốt nghiệp đại học đã xin về công tác ở nông trường của cha như muốn góp một chút sức mình “cho những cánh rừng cao su thêm xanh, cho dòng vàng trắng dạt dào chảy mãi”, cô nói theo lời thơ của ai đó.

“Phải làm đổi thay cái nhìn của nhiều người về cuộc đời phu phen cạo mủ. Bạn bè tôi, con của những người thợ đang được ăn học đến nơi đến chốn cũng đều có mong muốn như vậy”, Nguyễn Minh Hữu, tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM, vừa xin về công tác tại Nông trường cao su Gò Dầu, Tây Ninh, nói. Hữu tâm sự: “Mình trở lại là muốn làm cho những cánh rừng cao su xanh tốt hơn, làm cho đời sống người dân giàu có hơn”.
(Trích nguồn: VŨ BÌNH - DƯƠNG THẾ HÙNG
Việt Báo (Theo_TuoiTre)

Lần cập nhật cuối ( Thứ hai, 05 Tháng 4 2010 15:34 )  
You are here: Home Xã Hội Rừng cao su bừng sáng