CÔNG TY CỔ PHẦN CAO SU LÂM SINH

JS required
JS required

MỤC QUẢNG CÁO

HOALUCco.

PHUHOAshop

LAMSINH

Đánh thức tiềm năng của huyện miền Núi.

Email In PDF.
“Từ khi cây cao su về đây, khu chúng tôi nhộn nhịp hẳn lên. Thay vì chỉ làm ruộng, và vào rừng đốn củi, bà con đã có công việc ổn định và có thu nhập cao hơn trước nhiều. Là người sống ở đây trên 60 năm, giờ tôi mới thấy quê mình thay đổi nhanh như vậy”. Cụ Nguyễn Viết Giới - ở khu 4, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn xúc động nói như vậy.
Vườn cây sinh trưởng tốt
Về NT Nông Sơn (Công TNHH MTV Cao su Quảng Nam) những ngày đầu tháng 11/2010, chúng tôi không khỏi khâm phục tinh thần lao động hăng say của toàn thể CBCNV nơi đây. Mặc dù trời mưa, nhưng họ vẫn miệt mài làm cỏ, tỉa chồi từng cây, từng hàng, từng lô cao su rất cẩn thận. Chỉ cho chúng tôi lô cao su thẳng đều tăm tắp, cao gần 3m, anh Huỳnh Văn Lo - cán bộ kỹ thuật NT tự hào: “Đây là vườn cây trồng tháng 1/2010 nhưng tốc độ sinh trưởng rất nhanh. Để có được kết quả như vậy chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Do nhận thức rõ Quảng Nam là vùng đất không thuận lợi như miền Đông Nam bộ nên ngoài việc thực hiện theo quy trình kỹ thuật chung, chúng tôi đã trồng toàn bộ bằng bầu 2 tầng lá trở lên. Đặc biệt là việc thực hiện tốt 4 phương châm tại chỗ gồm: lao động; giống; vật tư, phân bón và tiền”.
Ông Trần Hùng - GĐ NT Nông Sơn cho biết thêm: tại vùng đất này, nông trường chấp nhận trồng cao su vào mùa nắng vì tiểu khí hậu có mưa dông vào tháng 5, 6. Lúc đó bầu thích nghi với đất mới nhanh hơn, đồng thời không sợ bị ngập úng vào cuối năm. Để làm được điều đó, NT Nông Sơn không bón phân qua đất mà tiến hành bón phân qua lá, vì khi mới trồng bộ rễ chưa thích nghi được với đất. Bên cạnh đó, lãnh đạo NT còn tiến hành chèn thêm rơm để tủ bồn ở gốc cây... “Vườn cây mới trồng chưa được 1 năm đã phát triển tốt như vậy, tôi đảm bảo sẽ rút ngắn thời gian KTCB được 1 năm, đồng thời mật độ cây đủ tiêu chuẩn mở miệng cạo năm đầu tiên sẽ đạt 450 cây/ha”, ông Hùng khẳng định.
Tuy mới thành lập năm 2009, nhưng tính đến hết tháng 10/2010, NT Nông Sơn đã trồng được 265 ha cao su trong tổng diện tích dự án giai đoạn 1 là 820 ha. Dự kiến đến cuối năm, nông trường sẽ trồng tiếp 255 ha. Theo định hướng của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, sau khi hoàn thành 820 ha giai đoạn 1, NT Nông Sơn tiếp tục triển khai trồng thêm 2.000 ha giai đoạn 2, nâng tổng diện tích lên gần 3.000 ha vào năm 2015.
Người dân phấn khởi
Ngồi bên quán nước thuộc Khu 4, xã Quế Lâm hóng chuyện, chúng tôi mới thấy rõ cây cao su có ý nghĩa như thế nào đối với người dân nơi đây. Cụ Giới - người sống lâu năm ở đây kể: trước kia dân vùng này chỉ sống bằng nghề nông, hoặc vào rừng đốn củi, lấy gỗ mà đời sống vẫn khó khăn. Từ khi cây cao su về, nhiều người đã có công việc ổn định, có người thu nhập đến 2,5 triệu đồng/tháng, bằng cả năm họ làm nông nghiệp.
Anh Lê Văn Cư - ở thôn Dùi Chiêng, xã Phước Ninh kể cho chúng tôi nghe: “Thôn tôi có 10 người được nhận chăm sóc cao su. Tuy mới làm được 5 tháng (làm thời vụ) nhưng tôi rất vui, bởi vì làm ở đây không chỉ có thu nhập mà còn được làm theo tập thể”. Chị Nguyễn Thị Tình tiếp lời: “Làm cao su như tụi tôi một ngày có thể nhận được 80 đến 100 ngàn đồng, trong khi đó tôi vẫn làm ruộng theo mùa vụ bình thường”.
Cũng như anh Cư, chị Tình, anh Huỳnh Đức Hùng - Tổ trưởng khu vực Bến Đình cũng mới làm cao su từ khi nông trường mới thành lập. Anh cho biết: “Trước đây tôi làm ruộng, làm đủ thứ việc nhưng không có việc nào ổn định. Từ khi cây cao su được trồng ở quê mình, tôi đã coi làm cao su như một nghề chính”.
Hiện tổng số lao động của NT Nông Sơn là 60 người, lương bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng. Ông Trần Hùng - GĐ nông trường, cho biết: “Trước đây người dân làm ruộng cả năm chỉ được 2,5 triệu đồng, đến nay những người làm cao su chỉ cần làm 1 tháng cũng gần bằng nông dân làm 1 năm”.
Nguyễn Nguyên
Nguồn "Tạp chí Cao su Việt Nam"

Lần cập nhật cuối ( Thứ sáu, 17 Tháng 12 2010 15:26 )  
You are here: Home Xã Hội Đánh thức tiềm năng của huyện miền Núi.