
Cơn lốc bắt đầu từ NT Ia Ko đi qua NT Ia H’lốp và NT Ia Glai rồi kết thúc tại vườn cây của NT Ia Tiêm. Ngay sau khi cơn lốc đi qua, lãnh đạo công ty đã nhanh chóng tiến hành thống kê thiệt hại và báo cáo với lãnh đạo VRG để có hướng xử lý. Theo báo cáo nhanh của công ty thì cơn lốc đã làm thiệt hại trên 189.203 cây trong đó cây hư hại hoàn toàn là trên 91 ngàn cây, tương đương gần 200 ha. Thiệt hại nặng nhất rơi vào NT Ia Ko với tổng số cây hư hại lên đến 114.699 cây, riêng cây bị gãy thân lên đến 59.230 cây. Hiện vườn cây của công ty có mật độ khoảng 400 cây/ha, như vậy với số lượng cây gãy đổ như trên diện tích bị ảnh hưởng tương đương 400 ha. Ngoài ra lốc xoáy còn làm tốc mái 45 căn nhà của công nhân.
Công nhân Siu Buk, ở tổ 6 NT Ia H’lốp kể lại: “Hôm đó chiều gần tối rồi, mọi người ai cùng về hết vì trời muốn mưa. Sau đó, tự nhiên xuất hiện một cơn lốc rất lớn làm cao su gãy hết, riêng 3 phần cây của mình lốc đã làm gãy gần hết, chắc còn được ít cây để cạo thôi. Mình buồn lắm, không có cây cạo thì không có tiền lương”.
Sau lốc, công tác khắc phục hậu quả được lãnh đạo công ty chỉ đạo cho các đơn vị khẩn trương xử lý để tạo điều kiện tốt nhất cho công tác khai thác. Đồng thời công ty trích quỹ phúc lợi hỗ trợ cho các gia đình công nhân có nhà bị tốc mái. Theo đó 1m2 nhà bị tốc mái được công ty hỗ trợ 90.000 đồng. Do số lượng vườn cây gãy đổ nhiều nên công tác khắc phục đã gặp rất nhiều khó khăn. Theo Chánh văn phòng công ty Bùi Trung Chức, một trong những nguyên nhân làm chậm việc thanh lý vườn cây gãy sau lốc là do 2 nhà máy chế biến gỗ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông và Mang Yang công suất có hạn, đồng thời việc áp giá thanh lý lại phụ thuộc vào ý kiến của VRG. “Mặt khác, thời điểm này trên địa bàn huyện cũng đang vào mùa tưới cà phê, tiêu nên việc thuê người xử lý cây gãy là rất khó, thậm chí là không có người, công ty chỉ có thể thuê được một số người cưa cắt gỗ, sau đó công nhân tự dọn dẹp, trước mắt là làm thông thoáng lối đi để có thể tiến hành cạo”, ông Chức cho hay.
Theo dự kiến của công ty, thời gian khắc phục hậu quả của cơn lốc có thể lên đến từ 15 - 20 ngày. Hiện lãnh đạo công ty cũng đã có những kiến nghị với VRG để sớm có phương án xử lý, thanh lý và hỗ trợ cho những gia đình công nhân bị tốc mái nhà sớm ổn định cuộc sống. Công ty cũng chỉ đạo các nông trường khẩn trương thực hiện khắc phục bằng mọi cách có thể để vườn cây sớm thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho công tác khai thác.
Văn Vĩnh
Nguồn "Tạp chí Cao su Việt Nam"