Hiệu quả từ mô hình xen canh hoa màu trên đất trồng cao su ở Lai Châu.

In
Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn là chủ trương lớn của tỉnh Lai Châu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hướng đến phát triển bền vững. Nhưng khi chuyển đổi diện tích đất đồi, đất nương sang trồng cây cao su đã ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con  
Để trồng cây cao su theo đúng kế hoạch giao, đồng thời giúp bà con vẫn canh tác được trên diện tích đất đã trồng cao su, Công ty CPCS Lai Châu II đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Sìn Hồ đưa mô hình trồng xen canh hoa màu trên đất trồng cao su tại xã Chăn Nưa huyện Sìn Hồ. Đến nay, mô hình này đã giúp cho bà con vùng dự án trồng cao su tận dụng diện tích canh tác, tăng thu nhập.
Năm 2010 là năm đầu tiên cây cao su được trồng tại xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Đến đầu tháng 10, xã đã quy chủ chuyển đổi đất được 1.200 ha và trồng mới được gần 1.000 ha. Tuy nhiên, do cao su là cây trồng mới nên khi chuyển đổi đất đồi, đất nương sang trồng cây cao su đã ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con.
Dưới sự lãnh, chỉ đạo của huyện, Phòng NN&PTNT huyện Sìn Hồ đã cử cán bộ nghiên cứu tìm hiểu về cách thức trồng xen giữa cây nông nghiệp ngắn ngày với cây công nghiệp lâu năm. Phòng đã phối hợp với Công ty CPCS Lai Châu II, chính quyền xã Chăn Nưa tuyên truyền vận động bà con đưa mô hình trồng lúa nương, đậu tương, đậu đen… vào trồng xen canh với cây cao su. Đồng thời tổ chức, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 376 hộ gia đình ở 8 bản thuộc xã Chăn Nưa tham gia chương trình.  Bác Lò Thị Chướng ở bản Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa, cho biết: “Gia đình tôi có gần 2 ha đất góp cho công ty để trồng cao su. Lúc đầu cũng như bao nhà khác, chúng tôi lo lắm vì diện tích nương, đồi bị thu hẹp. Sau đó được công ty cho canh tác trên diện tích trồng cao su, chúng tôi mừng lắm. Trong quá trình chăm sóc lúa nương, cây hoa màu chúng tôi nhận thêm việc làm cỏ chăm sóc cao su thế là vừa thu hoạch được thóc lúa, hoa màu vừa có tiền công chăm sóc, bảo vệ”.
Đến nay, sau hơn 4 tháng đưa vào canh tác, 150 ha lúa nương xen canh cây cao su đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt 15tạ/ha. Trừ chi phí, người dân thu lãi hơn 20 triệu đồng/ ha, góp phần đảm bảo lương thực tại chỗ, các cây hoa màu khác sinh trưởng và phát triển tốt giúp bà con phấn khởi tin tưởng vào chủ trương trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn.
Việc hai công ty cao su ở Lai Châu hợp đồng hướng dẫn người dân trồng xen canh cây hoa màu trong vườn cây cao su KTCB đã giúp tận dụng lợi thế đất canh tác, tạo thêm thu nhập, vừa góp phần bảo vệ vườn cây, vừa giải quyết việc làm cho người nông dân. Đồng thời trên các diện tích trồng xen canh đó, người dân cũng được thuê làm cỏ, chăm sóc, bảo vệ cây cao su đã mở ra một hướng đi tích cực.
Ông Phan Văn Lợi – TGĐ Công ty CPCS Lai Châu II, nói thêm: “Thời gian đầu đi tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi đất trồng cao su công ty gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi cho phép trồng xen canh cây lúa, hoa màu trên diện tích trồng cao su đã giúp bà con vừa tận dụng được diện tích đất để sản xuất tăng thu nhập, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ cây cao su mới trồng, tạo thuận lợi công tác vận động nhân dân trồng và phát triển cây cao su. Hướng của công ty trong thời gian tới khi người dân tham gia góp đất trồng cây cao su, sẽ được công ty tuyển dụng làm công nhân, hoặc tạo điều kiện bố trí việc làm, được giao khoán vườn cao su để quản lí, được trồng xen canh các loại cây trong vườn cao su dưới sự cho phép và hướng dẫn kỹ thuật của công ty”.
Hiệu quả từ mô hình trồng xen lúa nương, xen cây hoa màu trên diện tích trồng cao su tại xã Chăn Nưa huyện Sìn Hồ, đã giúp cho bà con nông dân có thêm diện tích đất sản xuất tăng thu nhập đồng thời cây cao su cũng được bảo vệ và chăm sóc tốt hơn. Đây là cơ sở để áp dụng cho các địa phương khác trong vùng trồng cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng và các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung.
Hữu Hiện
Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam
Lần cập nhật cuối ( Thứ sáu, 17 Tháng 12 2010 15:26 )