CÔNG TY CỔ PHẦN CAO SU LÂM SINH

JS required
JS required

MỤC QUẢNG CÁO

HOALUCco.

PHUHOAshop

LAMSINH

Giải pháp tăng năng suất vườn cây khu vực Tây Nguyên.

Email In
Diện tích cao su của các công ty cao su thuộc VRG ở khu vực Tây Nguyên được trồng chủ yếu trên địa bàn 3 tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum với cao trình biến động, điều kiện thời tiết không thuận lợi, đất dốc thoái hóa bạc màu. Vùng trồng cao su chủ yếu là vùng sâu, trình độ dân trí thấp, CN là đồng bào dân tộc chiếm tỷ lệ cao. Các giống cao su mới được đưa vào trồng trên các vùng cao những năm 1996 – 1998 để mở rộng diện tích vườn cây đã không phù hợp, gây hậu quả kéo dài, năng suất thấp. Chính vì vậy, ngày 4/6/2010, tại TP.HCM, VRG và 7 công ty thành viên tại khu vực Tây Nguyên đã thảo luận để tìm hiểu thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng suất vườn cây.
6 nguyên nhân dẫn tới năng suất thấp

Cuối năm 2009, diện tích cao su khai thác thuộc khu vực Tây Nguyên của VRG đạt 36.665 ha, khai thác được 48.243 tấn mủ, năng suất bình quân (NSBQ) 1,32 tấn/ha. So với NSBQ chung của VRG và các khu vực khác thì thấp hơn. Cụ thể, NSBQ chung của VRG (1,78 tấn/ha), khu vực Đông Nam bộ (1,93 tấn/ha) và Duyên hải miền Trung (1,39 tấn/ha). Ban Quản lý kỹ thuật VRG đã phân tích và đưa ra 6 nguyên nhân làm ảnh hưởng đến năng suất vườn cây khu vực Tây Nguyên.
Về cơ cấu tuổi cạo và mật độ cây cạo: Số liệu thống kê cho thấy vườn cây khai thác khu vực có cơ cấu trẻ, chủ yếu đang được khai thác ở miệng cạo thấp thuộc nhóm I và II có tuổi cạo # 10 (chiếm 73%), nhóm tuổi cạo > 10 (chiếm 27%). Năng suất, tỷ lệ vườn cây đưa vào cạo mới và mật độ cây cạo bình quân thấp. Cây khô miệng cạo ở mức cao (6,68%). Trong 3 đơn vị có năng suất cao của khu vực Tây Nguyên là Ea Hleo (1,7 tấn/ha), Krông Buk (1,75 tấn/ha) và Chư Sê (1,56 tấn/ha) thì Chư Sê có nhóm tuổi cạo > 10 chiếm tỷ lệ cao (47%), Krông Buk (70%) nên tiềm năng tăng năng suất hạn chế.
Về giống: Hai giống được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên là GT1 và PB235 chiếm 87,7% tổng diện tích, kế đến là giống PB235 và một phần nhỏ VM515, RRIM600 được đưa vào trồng cả trên các vùng cao 700m. Qua thời gian, giống PB235 phát triển kém và cho sản lượng thấp. Nhiều vườn cây giống PB235 đã phải thanh lý hoặc kéo dài thời gian kiến thiết cơ bản như Delaya (Krông Buk), Iatiem (Chư Sê), Suối Mơ (Chư Prông), Mang Yang, đã làm ảnh hưởng đến năng suất chung của cả đơn vị.
Một số vườn cây chất lượng kém: Cao su kinh doanh của khu vực Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 9 (11/2009). Bên cạnh đó, vườn cây được chuyển từ những chương trình phát triển của các thành phần khác sang công ty (của tỉnh chuyển sang, của chương trình 327) chất lượng kém.
Ảnh hưởng của điền kiện thời tiết khí hậu: Thời tiết Tây Nguyên khắc nghiệt so với Đông Nam Bộ nên hầu hết diện tích khai thác bị bệnh phấn trắng nặng, rụng lá từ 2 – 3 lần, kéo dài thời gian nghỉ cạo ảnh hưởng đến năng suất vườn cây. Nhiều công ty đã áp dụng các biện pháp như phun hóa chất nhưng không có hiệu quả. Các yếu tố khác như gió, mưa kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác.
Trình độ tay nghề công nhân cạo mủ yếu: Do địa bàn vườn cây ở vùng sâu, lao động tại chỗ có trình độ kỹ thuật kém, dụng cụ cạo mủ không đạt, ý thức kỷ luật chưa cao dẫn tới năng suất thấp. Mô hình quản lý vườn cây chưa tốt và mức độ nhân rộng chưa cao.

Giải pháp tăng năng suất vườn cây

Hội thảo đã đưa ra các giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất vườn cây khu vực Tây Nguyên. Cụ thể:
Giải pháp quản lý: Tăng cường đội ngũ quản lý kỹ thuật, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và trao đổi tham quan học tập các mô hình tốt của khu vực Tây Nguyên và của VRG. Tập huấn CN cạo mủ trước khi giao phần cây cạo và trước mỗi mùa cạo mới, đặc biệt đối với CN là người đồng bào dân tộc. Tăng cường công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước cho khu vực. Thúc đẩy phong trào thi đua đạt danh hiệu “Câu lạc bộ 2 tấn” cho các cấp tổ, đội, nông trường. Duy trì phong trào luyện tay nghề - thi thợ giỏi khai thác mủ hàng năm, quan tâm khuyến khích và có chế độ khen thưởng thích đáng đối với công nhân cạo mủ có năng suất cao. Tăng cường công tác bảo vệ vườn cây, xây dựng nhiều giải pháp quản lý lao động để tăng cường ý thức kỷ luật đối với CN.
Ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG đã nhấn mạnh: “Ban lãnh đạo các công ty khu vực Tây Nguyên cần xây dựng chương trình nâng cao năng suất vườn cây 5 năm và có tổng kết hàng năm, phấn đấu sau 5 năm thì vườn cây cao su Tây Nguyên theo kịp vườn cây cao su Đông Nam bộ”.
Giải pháp kỹ thuật: Đối với diện tích vườn cây kinh doanh kém hiệu quả cần có chương trình thanh lý sớm, thay bằng các giống khác phù hợp hơn. Đối với vườn cây hiệu quả: Thực hiện tốt các quy hoạch về thiết kế mặt cạo hàng năm trước khi mở cạo lại, đảm bảo miệng cạo hợp lý đúng kỹ thuật và phù hợp với thực trạng vườn cây, không lãng phí bảng vỏ cạo, tuân thủ các chế độ cạo D3. Thâm canh cho vườn cây có năng suất cao, bón đầy đủ và cân đối lượng chất dinh dưỡng, sử dụng kết hợp phân vô cơ với phân hữu cơ vi sinh, bón phân tập trung theo hố, hay theo rãnh để tránh rửa trôi. Phát triển mô hình đào hố tích mùn như khu vực Đông Nam bộ.
Áp dụng kích thích sớm đối với vườn cây cao sản từ đầu mùa khai thác. Một số tiến bộ kỹ thuật về kích thích mủ bằng khí Etylen chưa được khai thác cần tiếp tục khảo nghiệm và đúc kết để nhân rộng. Quản lý và khai thác hợp lý các cây khô miệng cạo. Gắn máng che mưa, màng phủ chén đầy đủ, đúng kỹ thuật cho cả miệng cạo úp và ngửa để phát huy hiệu quả của máng trong việc tận thu sản lượng mủ và bảo vệ mặt cạo trong mùa mưa. Phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su VN để đưa những giống có triển vọng phù hợp với điều kiện Tây Nguyên vào sản xuất.

Ngọc Cẩm
nguồn "Tạp chí Cao su Việt Nam".

Lần cập nhật cuối ( Thứ năm, 16 Tháng 12 2010 16:19 )  
You are here: Home Mô Hình Sản Xuất Giải pháp tăng năng suất vườn cây khu vực Tây Nguyên.