Kỹ thuật trồng mới cây cao su
1/- Khai hoang trắng mặt bằng dự án:
Khai hoang trắng toàn bộ diện tích đất dự án, loại bỏ gốc cây tạp, sử dụng vôi bột và thuốc xử lý đất để loại bỏ các mầm bệnh, mối, kiến, cỏ dại,… bằng biện pháp sử dụng cưa hoặc rìu chặt hạ toàn bộ những cây lớn, rựa chặt những cây nhỏ và dùng máy ủi gạt sạch gốc rễ và cây nhỏ, sau đó dùng máy cày chảo 3 để cày phá làm sâu 25 - 30cm và dùng cày chảo 7 làm thục đất.
2/- Thiết kế lô trồng cao su:
Do mặt đất trồng cao su đều là đồi trọc, có độ dốc ≥ 3 - 4%, nên thiết kế trồng thẳng hàng theo hướng Tây – Đông, từng lớp từ trên xuống dưới. Kích thước trồng là 6mx3m, mật độ trồng là 555 cây cao su/ha. Giữa các lô có đường lô và liên lô.
3/- Kỹ thuật đào hố, bón lót:
Hố trồng được đào với kích thước (dài 70cm x rộng 50cm x sâu 60cm), đáy hố rộng (50cmx50cm), để riêng lớp đất mặt và đất đáy, tối thiểu 5 ngày để ải trước khi bón phân và lấp hố tối thiểu 15 ngày. Lấy lớp đất mặt lấp ½ hố, sau đó trộn đều với phân hữu cơ, phân lân với lớp đất mặt xung quanh để lấp đầy hố. Giữa tâm hố cắm cây cọc tiêu để đánh dấu điểm trồng.
4/- Thời vụ trồng cao su:
Chỉ tiến hành trồng cây cao su khi thời tiết thuận lợi, đất có đủ độ ẩm, thường từ 1/6 đến 31/7 hàng năm.
5/- Tiêu chuẩn cây giống:
Giống cây cao su được lấy từ Trại giống cây trồng vật nuôi của xã Suối Tre, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, phải bảo đảm tiêu chuẩn: Đường kính tum đo cách mặt đất trong túi bầu ở vị trí 10cm từ 16mm trở lên. Mắt ghép sống tốt.
6/- Kỹ thuật trồng cao su:
Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ, rễ cây,… xung quanh hố, sau đó dùng cuốc móc đất trong hố lên tới độ sâu bằng chiều dài của túi bầu, khoảng 45-50cm. Đặt bầu thẳng đứng, mắt ghép quay về hướng gió chính, mí dưới mắt ghép ngang với mặt đất, xé túi bầu bằng lưỡi dao sắc, tránh làm bể bầu. Lấp hố lại bằng phần đất vừa lấy lên, lấp từng lớp đất một và dậm kỹ đảm bảo đám bám chặt vào hỗn hợp bầu. Sau cùng, dùng đất tơi xốp phủ kín cổ rễ, ngang mí dưới mắt ghép.
Hai mươi ngày sau khi trồng phải tiến hành kiểm tra để trồng dặm những cây chết và cây có mắt ghép chết. Dùng cây bầu cắt ngọn 01 tầng lá ổn định để trồng dặm. Số lượng cây giống chuẩn bị để trồng dặm trong năm 1 là 15-20% so với lượng cây trồng mới (83cây/ha). Lấy kết quả kiểm kê năm thứ 1 để chuẩn bị đủ tum bầu có 2-3 tầng lá ổn định để dặm vào đầu vụ trồng mới cho năm thứ 2, tỷ lệ dặm khoảng 5%.
1.5.2. Kỹ thuật chăm sóc cây cao su
1/- Kỹ thuật làm cỏ:
Diệt sạch cỏ bằng hóa chất, cơ giới và thủ công,…, gieo hạt cỏ kudzu để giữ ẩm, chống xói mòn và chống các loại cỏ khác gây hại cho cây cao su. Công tác làm cỏ phải tiến hành hàng năm theo quy trình kỹ thuật quy định.
2/- Kỹ thuật khai thác mủ:
Cây cạo được trang bị đầy đủ vật tư kiềng, chén, máng. Kiềng buộc cách miệng tiền 35cm, dây buộc kiềng bằng lò xo thép đường kính 8mm hay bằng dây nilon. Máng hứng mủ đóng dưới miệng tiền 10cm, sau cách gỗ 2mm, độ dốc máng so với trục ngang là 300. Chén hứng mủ bằng đất nung có tráng lớp men sứ đặt trong lòng chén nhựa mặt trong láng men, dung tích chén 500-1000ml.
Việc mở miệng cạo các vườn cây mới đưa vào khai thác tiến hành vào tháng 3-4 và tháng 10-11. Đối với vườn cây đang khai thác, hàng năm vào mùa rụng lá nghỉ cạo lúc lá bắt đầu nhú chân chim. Việc cạo mủ lại chỉ tiến hành khi cây đã có tán lá ổn định. Giờ cạo mủ hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết trong năm, bắt đầu cạo khi nhìn thấy rõ đường cạo, khi vỏ cây ướt do bất kỳ lý do gì thì phải chờ vỏ cây khô ráo mới bắt đầu cạo. Sau khi cạo xong phần thân từ 1-2 giờ, chờ hiệu lệnh trút mủ của đội trưởng/tổ trưởng mới được trút mủ. Thời gian chờ trút mủ tùy thuộc vào thời tiết, những ngày trời chuyển mưa có thể trút mủ sớm hơn và đưa ngay về điểm trú mưa.