
Tổng diện tích TC-TM năm 2009 của 7 công ty khu vực DHMT là 2.464,42 ha, đạt 39,4 % kế hoạch, trong đó diện tích tái canh là 432,82 ha và diện tích trồng mới là 2.031,60 ha. Theo đánh giá của Ban QLKT VRG, chất lượng vườn cây TC-TM năm 2009 tốt hơn do được trồng bằng cây bầu nhiều tầng lá. Diện tích trồng bằng bầu có từ 2 tầng lá ổn định trở lên là 2.318,25 ha (chiếm tỷ lệ 94,1 %), chỉ còn 146,2 ha trồng bằng tum trần ở Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang-Quảng Nam.
Tổng diện tích cao su KTCB năm 2009 của các công ty khu vực DHMT là 9.042 ha, trong đó diện tích vườn cây kéo dài thời gian KTCB là 580 ha, chiếm tỷ lệ 6,4 %. Theo Ban QLKT VRG, vườn cao su KTCB kéo dài của các công ty trong khu vực chủ yếu là do trồng bằng tum trần, thiếu đầu tư thâm canh ngay từ đầu. Diện tích cao su KTCB được trồng xen cây thảm phủ họ đậu là 348 ha, chiếm tỷ lệ 4 %.
Trong năm 2010, tổng diện tích TC-TM toàn khu vực DHMT là 5.866 ha, trong đó trồng mới là 5.080 ha và tái canh là 786 ha. Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang-Quảng Nam có diện tích trồng mới lớn nhất với 1.500 ha, kế đến là Hà Tĩnh 1.100 ha, Quảng Nam 1.016 ha… Đến thời điểm đầu tháng 7/2010, các đơn vị đã khai hoang chuẩn bị được 1.900 ha.
Những vấn đề cần lưu ý.
Theo ông Phạm Văn Hằng - chuyên viên Ban QLKT VRG, việc làm đất bằng cách khai hoang trắng đã được hạn chế ở nhiều nơi; tuy nhiên vẫn còn nhiều diện tích bị ủi hết lớp đất mặt đã gây ra tình trạng xói mòn mạnh ngay từ năm đầu. Các công ty trong khu vực đã chú ý thiết kế hàng trồng cây theo đường đồng mức; nhưng vẫn còn một số công ty thiết kế băng đồng mức chưa chuẩn (Hà Tĩnh, Quảng Ngãi…), thiết kế đường lô không đúng quy trình, làm đường lô dốc đứng từ chân lên đến đỉnh đồi.
Về phương pháp trồng, thời vụ trồng, nhiều lô được trồng bằng cây giống có tầng lá sinh trưởng khỏe, đồng đều; vườn cây năm trồng mới sinh trưởng tốt. Diện tích trồng bằng tum bầu 2 tầng lá (TB2) năm 2009 tăng lên, chiếm tỉ lệ trên 94%; đã có mô hình trồng mới bằng TB4 sinh trưởng khá tốt ngang với những diện tích trồng tum trần 2008 (Nam Giang - Quảng Nam), cây cao su sinh trưởng khỏe, đồng đều. Tuy vậy, vẫn còn nhiều lô trồng bằng tum trần những năm trước có chất lượng không đạt yêu cầu, mật độ cây hữu hiệu thấp, vườn cây không đồng đều, kéo dài thời gian KTCB. Thêm vào đó, còn nhiều diện tích trồng trễ vụ, trồng không đúng vụ cây cao su sinh trưởng yếu.
Về nguồn cung ứng cây giống, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các công ty, cây giống sử dụng để trồng mới năm 2009 của các đơn vị do 12 cơ sở sản xuất cây giống có vườn ươm ở Đông Nam bộ cung cấp. Đáng chú ý là tình trạng lẫn giống trên cùng một lô (đặt biệt là lẫn giống RRIV 4) và trồng lộn giống còn phổ biến. Tình trạng lẫn giống chủ yếu là do 2 nguyên nhân chính: do giống bị lẫn ngay từ cơ sở sản xuất (giống RRIV 4 lộn và lẫn với tỉ lệ lớn) và do trình độ quản lý trong quá trình vận chuyển, tổ chức cắm vào bầu, phân phối cây giống ra lô trồng.
Công tác chống xói mòn, hạn chế rửa trôi chất màu trên đất dốc ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi việc tỉa, chồi tạo tán chưa đạt yêu cầu do không được tập huấn và kiển tra thường xuyên.
Mô hình trồng xen có hiệu quả cây củ đậu, dứa (thơm) trên vườn cao su KTCB ở NT Phúc Do (Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa) cần được nhân rộng để thay thế việc trồng xen cây khoai mì, mía, bắp… trong vườn cao su KTCB. Nhiều nơi trồng xen không đúng quy trình kỹ thuật như chọn sai loại cây trồng xen, hàng cây trồng xen cách gốc cao su không đúng qui định.
Về công tác quản lý kỹ thuật, tình trạng thiếu cán bộ chuyên môn khá phổ biến; công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vườn cây tại một số công ty chưa đạt yêu cầu. Do địa hình phức tạp, diện tích cao su trồng phân tán, lô thửa quá nhỏ, manh mún, xen lẫn nương rẫy của dân đã có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng vườn cây trồng mới và KTCB ở nhiều công ty khu vực DHMT.
Một số giải pháp nâng cao vườn vây KTCB và TC-TM.
Đối với diện tích vườn cây KTCB kéo dài, theo phân tích của Ban QLKT VRG, nguyên nhân là do đất xấu, thời tiết khắc nghiệt (rét, khô hạn, gió bão), phương pháp làm đất không thích hợp, chất lượng cây giống không đạt tiêu chuẩn, phương pháp trồng lạc hậu, trồng trễ thời vụ, chăm sóc & bón phân đúng kỹ thuật …
Để giải quyết, theo khuyến nghị của Ban QLKT VRG, các đơn vị cần chọn đất trồng thích hợp, quy hoạch vùng trồng tập trung, tránh hiện trạng trồng phân tán với diện tích lô quá nhỏ gây khó khăn cho công tác quản lý và chăm sóc, dẫn đến chất lượng vườn cây kém. Không khai hoang ủi trắng lớp đất mặt, đặc biệt là trên vùng đất dốc. Đào hố bằng máy múc, bón đủ phân bón lót. Với đất dốc, nên trồng cây theo đường đồng mức, làm băng đồng mức đủ rộng (theo quy trình), trồng cây sát taluy dương.
Các công ty cũng phải khắc phục ngay tình trạng trồng lẫn giống và lộn giống, kiên quyết loại bỏ giống RRIV4. VRG cần có biện pháp mạnh để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng trồng lẫn giống, trồng lộn giống và trồng giống không đúng cơ cấu quy định ở các công ty cao su thành viên. Bên cạnh đó, chọn giống đúng cơ cấu, chuẩn bị và chọn lựa cây giống có tầng lá, chất lượng tốt và đồng đều để trồng mới; không trồng bằng tum trần, đảm bảo cây giống sạch bệnh trước khi đem đi trồng. Trồng mới đúng thời vụ, trồng dặm bằng cây bầu nhiều tầng lá và chăm sóc đặc biệt cho cây dặm để định hình vườn cây chậm nhất trong năm thứ hai.
Trong công tác bảo vệ thực vật, các đơn vị cần phải điều tra phát hiện sớm để phòng trị kịp thời và hiệu quả bệnh Corynespora, bệnh Botrydiploidia theo đúng quy trình phòng trị bệnh theo chỉ đạo của VRG. Song song đó, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên trách bảo vệ thực vật.
Về công tác chăm sóc, bón phân, thực hiện các biện pháp chống xói mòn, đặc biệt là trên đất dốc. Trồng xen đúng quy trình, tích cực đưa các loại cây họ đậu, cây trồng khác có hiệu quả (ít hại đất, không cạnh tranh với cây cao su, để lại nhiều dư thừa thực vật cho đất, không là ký chủ đối với các mầm bệnh hại trên cao su) thay cho khoai mì, mía, bắp… Các đơn vị cần thực hiện các biện pháp thích hợp thâm canh vườn cây ngay từ đầu để không còn diện tích kéo dài thời gian KTCB.
P.V
nguồn "Tạp chí Cao su Việt Nam"